Chùa Bổ Đà – Danh lam cổ tự nổi tiếng vùng Kinh Bắc

Nằm trên dãy Bổ Đà sơn huyện Việt Yên, Khu di tích chùa Bổ Đà là một danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa, nay thuộc xã Tiên Sơn (Việt Yên, Bắc Giang), đặc biệt nơi đây có vườn tháp lớn nhất Việt Nam chôn giữ tro cốt của hơn 1.000 vị tăng, ni từ 300 năm trước.

Khu nội tự (chùa chính Tứ Ân) của Chùa Bổ Đà.

Tương truyền, chùa Bổ Đà có từ thời Lý, khoảng thế kỷ thứ XI. Vào thời vua Lê Dụ Tông (1720-1729) đã được tu tạo lớn. So với các ngôi chùa truyền thống khác ở miền Bắc, chùa Bổ Đà có kiến trúc độc đáo và khác biệt. Chùa được xây theo kiểu kiến trúc nội công ngoại quốc. Vì điều ấy mà vẻ thanh tĩnh, u linh càng trở nên rõ nét.

Chùa của hiện tại gồm 16 toà nhà lớn nhỏ với 92 gian đầy đủ chức năng như nhà tạo soạn, nhà tổ, nhà pháp, nhà khách, toà tam bảo,… Vẫn được ứng dụng lối kiến trúc truyền thống, tòa tam bảo xây lối chữ Đinh, hậu cung gồm 5 gian, tiền đường 7 gian. Bậc thềm lát đá xanh. Những dấu vết bạc màu thời gian cho thấy công trình khởi dựng thời Lê – Nguyễn đến nay vẫn nguyên vị trí ban đầu.

Khu nội tự (chùa chính Tứ Ân)

Được xây dựng vào thời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) do vị sư tổ họ Ngô, tự là Tính Ánh cùng nhân dân địa phương hưng công xây dựng với hàm nghĩa răn dạy phật tử phải biết báo đáp bốn ân (ơn): Ân trời đất, Ân đất nước, Ân thầy và Ân cha mẹ.

Am Tam Đức – Sự thông tuệ Trí – Đoạn – Ân

Mỗi một công trình tại khu quần thể di tích Bổ Đà Sơn đều mang ý nghĩa sâu sắc, am Tam Đức cũng vậy. Nơi này được xây dựng vào thời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786). Tam Đức đại diện cho sự thông tuệ của ba đức tính: Trí đức – Đoạn đức – Ân đức.

Am Tam Đức thờ tổ Như Thị (thường gọi Phạm Kim Hưng), là người giàu đức hy sinh và công lao tu bổ, mở mang chùa Bổ Đà.

Vườn tháp chùa Bổ Đà là một trong những vườn tháp đẹp và lớn nhất Việt Nam, gồm 110 ngôi tháp và mộ lớn nhỏ khác nhau. 

Chùa Cao – Sự tích người tiều phu thiện lương

Theo dân gian, chùa Cao được xây dựng từ thế kỷ XI gắn liền với sự tích người tiều phu hiền lành, chất phác. Thuở đầu, nơi đây là một gian chùa nhỏ lợp gianh vách đất toạ trên đỉnh non Bổ Đà. Người dân thường gọi đây là chùa ông Bổ hoặc chùa Bổ Đà bởi vị trụ chì Phạm Kim Hưng đã có nhiều công lao trong việc trùng tu toà chính điện, thiêu hương lẫn tiền đường và dựng cột đá lẫn cột gỗ.

Ao Miếu – Nơi đá thiêng thờ Thạch Linh

Tại khu Ao Miếu của thôn Hạ Lát nổi lên các khối đá lớn nằm xen kẽ lên nhau giữa một ao nhỏ gọi là Thạch Long. Người ta truyền rằng, mẹ đá nơi này sinh ra Thạch Linh Thần Tướng. Khi ấy, giặc Man nổi dậy làm nhiễu biên thuỳ, Thạch Linh Tướng Quân xin vua đi đánh giặc. Sau khi thắng trận, Thạch Tướng trở về đỉnh Phượng Hoàng ở dãy Bổ Đà và hoá tại đây. Dân chúng nhớ ơn mà lập nơi thờ phụng, dâng hương.

Vườn tháp chùa Bổ – Vườn tháp cổ kính, rêu phong lớn nhất Việt Nam

Tại chùa Bổ Đà, du khách hành hương ấn tượng với vườn tháp đẹp và lớn nhất cả nước. Nơi đây có tất cả 110 ngôi tháp và mộ to nhỏ khác nhau. Không chỉ vậy, trong vườn tháp này còn có 97 ngôi tháp cổ hàng trăm năm tuổi, là nơi lưu giữ tro cốt xá lỵ của 1214 tăng ni phật tử của thiền phái Lâm Tế trong cả nước. Với diện tích gần 8.000m2, khu vườn tháp được bao bọc bởi một bức tường dài xây từ đá núi và gạch chỉ. Được hun đúc từ “xương cốt” núi Bổ Đà, dường như điều ấy mang đến cho khu vườn vẻ u tịch, trầm lắng của nơi thâm sơn.

Cổng vào chùa với nền lát đá muối nhiều kích thước khác nhau. Ảnh: VOV.vn

Trong khuôn viên chùa còn cất giữ nhiều bia đá, chuông đồng, hoành phi và đến 39 pho tượng gỗ thời Lê Trung Hưng giàu giá trị lịch sử lẫn mỹ thuật xưa. Đây là nơi tu hành, cũng là trung tâm đào tạo các tăng ni thuộc thiền phái Lâm Tế của vùng Kinh Bắc xưa.

Bên cạnh chốn tổ Vĩnh Nghiêm ở huyện Yên Dũng, có thể nói sơn môn Bổ Đà là chốn tổ, trung tâm Phật giáo lớn thứ hai ở Bắc Giang, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá và duy trì phát triển đạo Phật mà thiền phái Lâm Tế là chủ đạo. Để phục vụ cho việc tu tập, đào tạo các tăng, ni, nhà chùa đã tổ chức san khắc gần 2000 mộc bản bằng chất liệu gỗ thị có niên đại từ thời vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) và các giai đoạn sau này, góp phần làm cho kho tàng pháp bảo của Phật giáo Việt Nam càng thêm phong phú. Kho mộc bản nằm ở khu hậu viện của chùa. Đặc biệt là những tấm gỗ thị dùng để khắc kinh đều rất bền, đẹp, không bị mối mọt, dù không dùng một loại thuốc bảo quản nào. Kinh được khắc nổi bằng chữ Hán, nét chữ tinh xảo, đến nay vẫn còn rất sắc nét.

Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22/12/2016.

Hội thi hát quan họ: Hội chùa Bổ Đà hàng năm được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 2 âm lịch, đó cũng là ngày giỗ tổ khai sơn lập ra chùa Bổ Đà. Trung tâm lễ hội diễn ra ở khu vực Bổ Đà, người dân trong vùng tổ chức lễ tế ở đền Hạ sau đó lên đền Trung và đền Thượng thắp hương và vãn cảnh chùa. Trên sân chùa, các đoàn hát biểu diễn liên tục suốt mấy ngày đêm. Những canh hát quan họ, mời trầu, mời nước của các liền anh liền chị làm cho không khí ngày hội thêm vui tươi nhộn nhịp./.

Trần Khiêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đọc thêm