VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Đền Thần thuộc phường Tăng Tiến, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đền Thần nằm cách trung tâm thành phố Bắc Giang khoảng 5km về phía Tây Nam. Từ trung tâm thành phố Bắc Giang theo đường quốc lộ 1 A khoảng 5km đến đền Thần.

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, địa danh này thuộc xã Phúc Tằng, tổng Phúc Tằng, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc. Xã Phúc Tằng có 3 thôn: Bẩy, Tự, Trạch (Chằm).Từ khi thực dân Pháp đô hộ, chúng chia tổng Phúc Tằng thành hai tổng: Phúc Long và Phấn Sơn. Ngày 11/5/1917, quyền thống xứ Bắc Kỳ ra Nghị định giải thể tổng Phúc Long. Các xã Phúc Long Hạ, Thượng Phúc, Phúc Tằng, Điêu Liễn sáp nhập vào tổng Hoàng Mai, huyện Việt Yên.

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, thành lập đơn vị hành chính liên xã. Các xã Phúc Long, Phúc Tằng lập thành xã Tăng Long thuộc huyện Việt Yên. Năm 1949, sáp nhập xã Tăng Long và xã Kính Ái thành một xã, lấy tên là xã Hồng Thái. Tháng 5/1995 xã Hồng Thái chia thành 2 xã: Hồng Thái và Tăng Tiến. Xã Tăng Tiến gồm các làng: Phúc Long, Phúc Tằng,Thượng Phúc. Riêng Phúc Tằng gồm các xóm: Xóm Bẩy, xóm Chùa, xóm Chằm. Từ đó đến đầu năm 2024, Đền Thần thuộc xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên. Đến ngày 01/02/2024 thị xã Việt Yên được thành lập trên cơ sở huyện Việt Yên thì Đền Thần thuộc phường Tăng Tiến, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

PHƯƠNG ĐỀN

Qua cổng đền là Phương Đền, Phương Đền được xây dựng theo kiểu chồng diêm với hai tầng tám mái đao cong. Đỉnh bờ nóc tạo hình mặt nguyệt, bờ dải xây tạo dải hoa chanh nối các đầu đao cong bay bổng được tạo hình rồng uốn lượn. Tầng mái thứ hai, trên bờ dải đặt đôi nghê chầu ra ngoài như để kiểm soát tư cách khách hành hương vào lễ đền.

MỘ THẦN

Mộ Thần Ở ngay phía sau Phương đền, nằm ở phía trước sân đền, tương truyền là phần mộ Bạch Nương Cung Thành Tôn Linh Phương Dung Công Chúa nhân dân vẫn gọi là Vồi Thần. Vồi Thần nổi cao hình tròn, được xây bó bờ đá xung quanh. Trên vồi Thần cây cỏ mọc tốt. Chẳng biết sự linh ứng ra sao nhưng Vồi Thần ngày càng nở ra và to lên, được nhân dân địa phương trân trọng gìn giữ như một báu vật của làng

Sự tích Phương Dung Công chúa được ghi trong thần tích, xã Phúc Tằng, tổng Hoàng Mai như sau:

Nước Nam ta, vào triều vua Thái Tông của nhà Trần, có một câu chuyện đặc biệt. Ở trang Giá Kiều, huyện Vĩnh Ninh, phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hoa, có gia đình lệnh tộc họ Nguyễn, ông tên huý là Nghiêm, bà là Hoàng Thị Nương. Họ là những người tốt, kính Phật sùng Tiên, nhưng đến ngoài 40 tuổi vẫn chưa có con trai, chỉ sinh được một cô con gái tên là Bạch Nương (25/10 năm Mậu Ngọ) diện mạo, thân hình đẹp đẽ. Năm 17 tuổi, tiếng đồn về Kinh, vua biết và triệu Bạch Nương để lập làm cung phi thứ hai. Tuy nhiên, cha mẹ Bạch Nương từ chối vì cho rằng con còn nhỏ và dùng cớ bệnh tật để thoái thác. Năm 19 tuổi, cả cha và mẹ cô đều qua đời, khi tang phục đã mãn cô bèn từ biệt quê hương đi chu du các nơi trong nước.

Trải thời gian đến trang Phúc Tằng, huyện Cổ Dũng, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc nghỉ trọ tại ngôi chùa (chùa Phúc Quang) nửa đêm mộng mơ thấy một vị thần nhân từ trong điện đi ra đến chỗ Nương đang nằm, rồi nằm bên cạnh. Sáng sớm hôm sau, Nương thấy chỗ mình nằm có in hình người. Từ đó Nương cảm hoài rồi mang thai. Nương cho đó là việc lạ, thẹn thùng khủng khiếp, bèn ẩn cư trong chùa. Dân làng thấy lạ, lục vấn rồi đuổi đi. Bạch Nương khóc thề trước chùa rằng nếu chính đáng sẽ sinh thần, nếu tà gian sẽ là yêu quái. Dân làng cảm động và cho cô ở lại. Đủ tháng, Nương sinh một bọc nở ra bốn người con trai diện mạo khôi ngô, trên trán mỗi người viết hai chức Nhân Chàng màu đỏ. Nhân dân kinh sợ không dám khinh thường. Sinh được ba ngày Nương bị bệnh mất sau mối đùn lên thành mộ thiêng.

Thời Trần, Tống Công Thành đi dẹp giặc lập đồn trú ở trang Phúc Tằng cạnh miếu, được Bạch Nương âm phù không tốn công sức mà dẹp yên được giặc. Sau đó ông cho quân trở về lập đàn ở cạnh miếu để tế tạ.

TOÀ TIỀN TẾ

Trải thời gian mưa nắng gội rửa, ngôi đền xưa không còn nữa. Để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, năm 2007, ông Nguyễn Minh Mẫn cùng nhân dân địa phương đã khôi phục lại đền Thần khang trang, tố hảo, làm nơi tôn thờ các vị đại vương, theo như phong tục xưa ở xã Phúc Tằng đã được ghi nhận trong thần tích, thần sắc còn lưu giữ.

Công trình đền Thần được phục dựng lại bằng bộ khung gồm lim to khỏe chắc chắn theo lối kiến trúc cổ. Bình đồ kiến trúc đền theo hình chữ công gồm tòa Tiền tế nối với Hậu cung bởi dải ống Muống.

Toà tiền tế có 3 gian hai chái tạo kiểu chồng diêm hai tầng với tám mái đao cong.Tầng mái trên lợp ngói mũi hài, bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, kìm nóc tạo hình rồng ngậm chọn bờ nóc.
Bờ dải xây gạch phủ áo vữa nối với hai đầu đao cong tạo hình đầu rồng uốn lượn. Tầng mái thứ hai với 4 mặt mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc xây gạch phủ áo vữa, kìm nóc tạo hình rồng. Bờ dải cũng xây gạch phủ áo
vữa nối với các đầu đao cong tạo hình rồng uốn lượn.Tường mái phía trước xây gạch chỉ bắt mạch để trổ hai ô cửa sổ hình tròn,
trong tạo hoa văn kiểu hình chữ Thọ. Hệ thống cửa gỗ tạo kiểu cửa thượng song hạ bản chạy suốt ba gian.

Toà Tiền tế cao rộng, nền được lát gạch vuông truyền thống. Phần liên kết khung vì mái được tạo bởi bốn hàng chân cột, các vì mái được gắn kết với nhau bởi hệ thống hoành, xà, tạo vì mái. Phần kết cấu kiến trúc vì mái được gắn kết theo kiểu vì giá chiêng truyền thống. Các cấu kiện kiến trúc chạm khắc hình hoa lá đơn giản.

Đọc thêm