Về bản chất, hầu đồng là nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các vị đồng nam, nữ. Khi các vị thánh thần nhập vào người hầu đồng, họ sẽ thực hiện các nghi thức như múa hát, chầu văn, phán truyền,…
Có thể thấy, hiện không có định nghĩa cụ thể về hầu đồng là gì, mà đây chỉ là khái niệm để chỉ chung trạng thái tâm linh khi thần thánh “nhập” vào người ông/bà đồng và thông qua thân xác của ông/bà đồng nhằm thể hiện lời nói, hành động, ý muốn truyền đạt.
Hiện hầu đồng đã trở thành một tín ngưỡng không thể thiếu trong đời sống nhân dân, nhất là ở những thời điểm sau dịp Tết Nguyên đán kéo dài cho đến hết tháng 3 – 4 Âm lịch. Hầu đồng thường được thực hiện tại các nhà đền nơi thờ các vị thánh thần, mà người ta gọi là đền thiêng. Hầu đồng phổ biến đến nỗi nếu đến các ngôi đền thiêng từ miền Trung đến miền Bắc dịp Giêng Hai đều phủ kín các khoá hầu đồng.
Cũng bởi tính phổ biến ăn sâu bén rễ vào đời sống tâm linh của nhân dân và tính độc đáo của những nghi thức trong hầu đồng nên ngày 01/12/2016 tại Ethiopia, tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hoá của Liên hiệp quốc (UNESCO) chính thức công nhận “Những thực hành liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo nhiều tài liệu, tín ngưỡng thờ Mẫu hình thành nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh sống dựa nhiều vào thiên nhiên của con người nên qua hàng trăm năm thờ Mẫu đã trở thành nét đẹp văn hoá của dân tộc. “Tháng Tám giỗ cha Tháng Ba giỗ mẹ” đã cho thấy được tín ngưỡng thờ Mẫu có vị trí quan trọng như thế nào trong đời sống tâm linh của người Việt. Tín ngưỡng thờ Mẫu chứa đựng trong đó nhiều giá trị đạo đức nhân văn sâu sắc. Đó là sự phản ánh hiện thực khách quan về đạo lý tốt đẹp ngàn đời của dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn”. Trong đó, hình ảnh người mẹ được tôn vinh ở vị trí trung tâm. Ngoài ra tín ngưỡng thờ Mẫu còn là sự kết hợp của nhiều nét đẹp văn hoá dân gian như: Âm nhạc, ngôn ngữ kiến thức trang phục… tiêu biểu là nghi lễ hát Chầu văn và Hầu đồng – một hình thức biểu diễn sân khấu huyền ảo, mang đầy tính linh thiêng.
Chứng kiến một khoá hầu đồng tại Đền Dinh đô Quan Hoàng Mười, mới thấy sự thú vị của những nghi thức được thực hiện ở đây. Thanh đồng Cao Huy (tự là Chí Minh Đạo) cho biết: Để chuẩn bị được một khoá hầu như thế này chúng tôi phải có nhiều ngày làm việc vất vả. Bởi để khoá hầu có được sự uy nghiêm, linh thiêng cần thiết thì những người thực hiện phải có được tâm thế và sự chỉn chu.
Thanh đồng Cao Huy cho biết: Chúng tôi luôn đề cao việc giữ nét văn hoá truyền thống khi thực hiện Nghi thức hầu đồng. Khi làm lễ thanh đồng phải chuẩn bị từ trang phục, diện mạo khí chất phải chỉnh chu, mỗi hành động phải luôn hướng về chữ “Tâm”. Thanh đồng khi vào các giá đồng, phải làm thế nào để hay nhất, mang hình ảnh đẹp nhất để vừa chân thực vừa mang tính tâm linh. Phải để cho người xem hầu đồng thấy được đây là một tín ngưỡng, một nét đẹp văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, chứ không phải là một nghi thức mê tín dị đoan.
“Mọi người sinh ra đều có nguồn cội, tổ tông, tín ngưỡng được trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Tuy nhiên xã hội mỗi người đều có quyền tự do tín ngưỡng nhưng bản thân phải giữ được đúng chuẩn mực, quy chuẩn của truyền thống, không được hiểu sai, biến tướng, làm xấu đi theo hướng mê tín dị đoan về nét đẹp văn hoá tâm linh của tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi thức hầu đồng. Tất cả những nét đẹp đó chính là những giá trị mà nghi thức hầu đồng và những người thực hành nghi thức đó như chúng tôi luôn hướng tới” – Thanh đồng Cao Huy cho hay.
Để hầu đồng thực sự là nét đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt cần nhất vẫn là cách thức triển khai thực hành và nhận thức đúng đắn của các nhân dân. “Để không bị sa đà vào mê tín dị đoan khi thực hành tín ngưỡng thờ mẫu, con nhang đệ tử cần trang bị cho mình kiến thức về lịch sử và sự hình thành của tín ngưỡng và các nhân vật lịch sử để hiểu đúng hơn về bản chất, nét đẹp tín ngưỡng” – Thanh đồng Cao Huy nêu quan điểm.