Trong không khí rộn ràng chuẩn bị chào đón năm mới Mậu Tuất, vừa qua Đảng bộ và nhân dân xã Tăng Tiến, (tên cũ là Phúc Tằng), huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang đã long trong khánh thành đền Thần, di tích cấp tỉnh tọa trên địa bàn của xã Tăng Tiến. Đền thần, hay còn gọi là Đền Vồi Thần, xưa kia là một ngôi Miếu cổ giữa Vồi đất linh thiêng được nhân dân địa phương dựng lên làm nơi thờ phụng “ Bạch Nương” hay còn gọi là Cung thành Phương Dung Công chúa. Cùng với những biến động của lịch sử và thiên nhiên, Đền Thần ở xã Tăng Tiến đã bị mai một, gần như chỉ còn là phế tích. Những năm qua, được sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp, cùng với sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, sự quan tâm của những người con quê hương Tăng Tiến thoát li công tác, thành đạt đã về, mang lòng thành phụ giúp, ủng hộ nhiều công sức, tiền của phục dựng nên ngôi Đền Thần khang trang. Tuy chỉ mới phục dựng hoàn thành ở giai đoạn I, nhưng Đề Thần ở đây đã có một diện mạo khang trang, hoành tráng, mang đậm dấu tích kiến trúc xưa, với 5 hạng mục chính gồm: Đền chính; 4 tòa tả vu, hữu vu; nhà Mẫu; lầu Chiêng, lầu Trống; lầu Thờ 8 mái trước gò và các công trình phụ trợ khác…
Đồng chí Nguyễn Đại Lượng, Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện tặng hoa chúc mừng tại Lễ khánh thành Đền Thần
Về sự tích đền Thần xã Tăng Tiến theo Thần tích xã Phúc Tằng, Tổng Hoàng Mai, huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang, được các nhà nghiên cứu Hán Nôm của Viện nghiên cứu Hán Nôm dịch lại đại ý như sau: khi xưa có gia đình họ Nguyễn ở huyện Vĩnh Ninh, Phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hoa có người vợ mãi đến 40 tuổi mới sinh được một cô con gái xinh đẹp đặt tên là Bạch Nương. Năm nàng 19 tuổi thì cha mẹ qua đời. Sauk hi mãnh tang, Bạch Nương đi chu du thiên hạ, khi đến địa giới Phúc Tằng này thấy có ngôi Chùa đẹp liền xin vào trọ. Đến nưa đêm nàng mơ gặp một vị Thần và sau đó có mang sinh ra một cái bọc trong đó có 4 người con trai, diện mạo khôi ngô, tuấn tú trên trán mỗi người có ghi hai chữ “nhân chàng” màu đỏ. Sinh được 3 ngày thì Bạch Nương mất (ngày 8 tháng giêng), sau đó chỗ ngôi mộ trở thành cái gò cao và được nhân dân lập đền thờ từ đó. Còn 4 người con được 2 vị Thần đến mang về nuôi, có hai ông họ Đỗ và họ Nguyễn thường xuyên chu cấp…Năm 15 tuổi cả 4 chàng trai đã trở nên tài giỏi. Đến ngày 23 tháng 3 năm đó, hai vị Thần và 4 chàng trai bỗng dưng biến mất, nơi họ ở biến thành mộ và nhân dân lập đền thờ, cầu xin hết sức linh ứng. Đến nguyên hiệu Nguyên Phong triều Trần Thái Tông, giặc Chiêm thành xâm lấn nước ta, Vua sai tướng quân Tống Công Thành đi dẹp. Khi đến trang Phúc Tằng thì ông được các vị Thần ở đây linh ững, giúp đỡ dẹp tan giặc Chiêm thành. Sau chiến thắng ông trở về và mất. Cảm kích trước tấm lòng của vị tướng quân và các vị Thần đã có công giúp nước, Vua sắc phong, ban tiền bạc, ruộng vườn, cho lập trang ấp, xây dựng Miếu thờ từ bà Bạch Nương đến cả 4 người con, các vị Thần nuôi dưỡng và hai ông họ Đỗ, họ Nguyễn đều trở thành phúc Thần và chuẩn cho trang Phúc Tằng (xã Tăng Tiến ngày nay) được hương khói phụng thờ các vị…
Cách Hà Nội hơn 50 km về phía Đông Bắc, Đền Thần xã Tăng Tiến giờ đây trở thành một địa chỉ du lịch tâm linh có ý nghĩa đối với nhân dân cả nước và du khách quốc tế. Đến thăm Đề Thần không chỉ để được ôn lại truyền thống chống giặc ngoại xâm của cha ông và còn được khám phá một làng nghề độc đáo, nghề mây tre đan, cũng như thưởng thức làn điệu dân ca quan họ cổ tồn tại hàng ngàn năm ở vùng quê yên bình đồng bằng Bắc bộ này…
Theo Báo Du lịch